NGÀI LÀ CHÚA BÌNH AN
NHẠC GIÁNG SINH 2024
DẠY DỖ TRẺ THƠ
Kinh Thánh: Châm ngôn 22:6 “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi nó trở về già cũng không hề lìa khỏi đó”.
Hãy huấn luyện trẻ thơ con đường chúng nên theo, để khi về già chúng cũng không đi lạc”.(BDM)
Một người thợ mỏ nghèo quá đến nỗi đứa con trai nhỏ của ông phải đi hát rong để tự nuôi sống. Một đêm mùa đông, gió thổi lạnh buốt, cậu bé đứng gần tòa nhà sang trọng, cất giọng hát. Gia chủ là ông Conrad và bà Ursule. Nghe câu hát êm tai, lòng họ rất cảm động. Cánh cửa mở ra, họ nhìn thấy một cậu bé nghèo khổ, quần áo rách rưới, đứng run rẩy trong gió rét. Cậu cung kính thưa: "Vì tình thương của Chúa, xin ông bà thương xót cứu giúp con." Họ có một đứa con trai duy nhất, nhưng vừa qua đời, vì thế khi nhìn cậu bé hát rong, họ vô cùng xúc động, nhớ đến con của mình. Ông Conrad cho cậu bé vào nhà, mang ra một ít thức ăn. Họ bàn bạc với nhau, cho phép cậu ngủ lại qua đêm. Đương lúc cậu bé ngủ say, họ lẻn vào bên giường để ngắm xem gương mặt cậu bé, thật là khôi ngô tuấn tú và rất đáng yêu. Đến sáng, ông bà nói với cậu bé rằng họ muốn nhận cậu làm con nuôi. Thật không có niềm vui mừng nào hơn, cậu cất tiếng hát ngay khi nghe tin này. Cậu bé đã được ở trong một ngôi nhà sang trọng, lo học hành, về sau trở thành một tu sĩ Công giáo. Chúng ta có biết cậu bé ấy là ai không? Đó chính là Martin Luther, nhà Cải Chánh vĩ đại của lịch sử Hội Thánh. Sự cứu giúp, nuôi dưỡng, giáo dục một cậu bé rách rưới nghèo khó đã mang lại những kết quả lớn lao không thể tưởng tượng được. Ông bà Conrad đã đầu tư vào cuộc đời Luther nhờ thế mà nhân loại có một người vĩ đại.
Khổng Phu Tử từng nói: “Di tử hồ kim mãn doanh hà như giáo nhất kinh” (Để cho con một hòm vàng không bằng dạy cho nó một quyển sách). Ông ý thức rằng việc dạy dỗ trẻ thơ là một vấn đề quan trọng, quan trọng hơn cả việc lo cho nó tiền bạc vật chất. Với đề tài: Dạy Dỗ Trẻ Thơ, dựa trên Lời Chúa trong Châm ngôn 22:6 và những câ Kinh Thánh liên quan, chúng ta sẽ suy nghĩ 4 điều: (1) Người dạy. (2) Đối tượng được dạy. (3) Nội dung dạy. (4) Phương cách dạy.
1. NGƯỜI DẠY: Ai sẽ là người có trách nhiệm dạy? Chúa bảo ai “Hãy dạy cho trẻ thơ”? Những người lớn, những người trưởng thành, Chúa không bảo trẻ con dạy trẻ con, nhưng cụ thể là ai?
a.Ông Bà Cha Mẹ: Phục Truyền 4:9 “Chỉ hãy giữ lấy ngươi, lo canh cẩn thận linh hồn mình, e ngươi quên những điều mắt mình đã thấy hầu cho chẳng một ngày nào của đời ngươi những điều đó rời khỏi ngươi. PHẢI DẠY CHO CÁC CON VÀ CHÁU NGƯƠI”. Ông bà cha mẹ là những người có trách nhiệm quan trọng trong việc trực tiếp dạy dỗ con cháu mình, đừng giao khoán, đùn đẩy cho nhà trường và xã hội. Trách nhiệm đó Chúa giao cho mỗi người chúng ta là người làm cha mẹ ông bà.
Theo Trần Văn Trọng, xã hội ngày nay, khi nhiều bậc phụ huynh không giáo dục cho con em ở nhà thì đến lúc các em đi học, các em sẽ tiếp xúc với bạn bè, với môi trường học tập nhiều hơn... Thành thử phải cần chủ tâm nhắc nhở, dạy bày nhằm chỉ ra cho các em hiểu thế nào là điều tốt, và việc nào là việc xấu.
-Cuộc sống hiện tại của mỗi người quá ư bận rộn, phải làm việc đầu hôm sớm mai, đầu tắt mặt tối để lo cơm áo gạo tiền. Mặc dầu vậy các bậc phụ huynh vẫn phải quan tâm sắp xếp thì giờ để dạy dỗ con cái mình. Nếu không một ngày nào đó chúng ta sẽ phát hiện ra rằng dù mình sống bên cạnh con mình nhưng mình đã bị mất nó.
-Người bạn của tôi lái xe cho một Giám đốc, ông rất thành đạt, giàu có nhưng một ngày kia ông phát hiện ra rằng gia đình mình đã tan nát: vợ ngoại tình, con nghiện xì ke ma túy…do mãi mê làm giàu đã quên mất không dạy dỗ con cái, không quan tâm đến gia đình,… giờ thì đã quá muộn màng.
-Gióp là một người kính sợ ĐCT, ông chẳng những lo đời sống vật chất cho con cái mình mà còn quan tâm chăm sóc thuộc linh, dạy dỗ con cái mình luôn giữ lòng kính sợ Chúa. Trong Gióp 1:5 “Khi các con mình dùng tiệc xong thì ông sai người dọn con cái mình cho thanh sạch, ông sợ con cái mình phạm tội trong lòng từ chối ĐCT”. Đó là mẫu mực chúng ta cần noi theo!
b. Người Lãnh Đạo Thuộc Linh: các cháu thiếu nhi chính là những chiên thơ mà Chúa giao cho MS, TĐ, các GV thiếu nhi, ấu nhi…. Hãy vì lòng yêu mến Chúa và yêu mến linh hồn chúng, vì tương lai của Hội Thánh, hãy hết lòng chăm lo dạy dỗ chúng. Đừng quên chúng ta đang làm một công việc vô cùng cao quý, một công việc có giá trị đời đời. Chúng ta đang góp phần xây dựng các em thành những người tốt, người của ĐCT, những người mà trong tương lai sẽ làm xã hội này, thế giới này trở nên tốt đẹp hơn. Vì việc giáo dục trẻ thơ là một công tác vô cùng quan trọng nên đòi hỏi người dạy trẻ thơ phải là người:
-Thuộc linh: yêu mến Chúa, kính sợ Chúa, có như vậy mới dạy các em kính sợ Ngài. Nếu là người xác thịt thì chỉ dạy những việc xác thịt.
-Có Lời Chúa: Phục 6:6, chúng ta chẳng thể cho người khác điều mình chẳng có. Không thể cho các em Lời Chúa nếu mình không có Lời Chúa. Nếu muốn có Lời Chúa thì chúng ta phải học tập, huấn luyện và trang bị Lời Ngài.
2. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC DẠY DỖ: Dạy ai? trẻ thơ. Vậy trẻ thơ là bao nhiêu tuổi?
ThS. Phạm Vũ Tuấn nói: “Theo định nghĩa của Từ điển Tiếng Việt, thiếu nhi là trẻ em thuộc độ tuổi từ 4-5 đến 14-15... Gần nghĩa với “thiếu nhi”, trong Tiêng Việt có nhiều từ, chẳng hạn: trẻ con, trẻ thơ, trẻ nhỏ, con nít...”; thiếu nhi là:“Trẻ em còn nhỏ tuổi, dưới 13 tuổi.” Còn Liên Hợp Quốc quy định: “Thiếu nhi là những người dưới 18 tuổi.”
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tuyên Quang, trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, chỉ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã xảy ra 108 vụ trẻ em vị thành niên vi phạm pháp luật với 170 đối tượng. Trong đó: giết người 2 vụ, cướp và cướp giật tài sản 2 vụ, trộm cắp tài sản 39 vụ, cố ý gây thương tích 7 vụ, đánh bạc 8 vụ, sử dụng trái phép chất ma túy 8 vụ... Trong tổng số 170 đối tượng vi phạm có nhiều trường hợp vi phạm lần thứ 2 trở lên.
Những con số này cho thấy một thực trạng đáng lo ngại về trẻ vị thành niên phạm tội. Nếu như trước đây, tội phạm do trẻ em vị thành niên gây ra chủ yếu là các tội ít nghiêm trọng, thì nay đã có một số vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Đơn cử như: Ngày 23-10-2017, Nguyễn Minh Vượng (17 tuổi) học sinh lớp 10A5, Trường THPT Tháng Mười, huyện Yên Sơn và Dương Minh Long (17 tuổi), trú tại xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn (đã bỏ học), do mâu thuẫn cá nhân đã sát hại em Lý Hồng Ngọc, 17 tuổi, học sinh cùng trường. Vụ Bùi Duy Thiên (16 tuổi), trú tại xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương dùng dao đâm chết ông nội và chém bị thương bà nội.
Nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của Thiên là do thiếu tiền để chơi game và do ảnh hưởng của trò chơi bạo lực trên mạng Internet... Đó chỉ là 2 trong một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng do trẻ vị thành niên gây ra. (cand.com.vn)
Tiến sĩ Joseph Tan có ghi lại trong quyển sách do chính ông viết như thế này: “Trẻ học được phân nửa điều chúng biết ở tuổi lên ba; ba phần tư mọi điều chúng biết ở tuổi lên bảy.” Giống như một máy thu, trẻ dưới ba tuổi bắt đầu ghi nhận, học hỏi những gì diễn ra chung quanh. Vì vậy, thật là đúng đắn khi chúng ta dạy chúng ở độ tuổi này. Ông bà ta cũng dạy: “Dạy con từ thuở còn thơ.” Nếu bỏ qua việc dạy trẻ ở độ tuổi còn thơ thì là một thất bại của người lớn.
Trong mùa dịch này, mấy tháng qua Hội Thánh chúng ta có chương trình: Mỗi Ngày Với Chúa, các cháu thiếu nhi được học mỗi ngày một câu Kinh Thánh với sự động viên khích lệ của ông bà cha mẹ. Trong chặng hai: Càng Gần Chúa Hơn, các cháu chẳng những được học mỗi ngày một câu Kinh Thánh mới mà còn được hướng dẫn tập cầu nguyện theo tinh thần lời dạy của Chúa. Trong chặng thứ ba: Lắng Nghe Tiếng Chúa, các cháu nào biết đọc sẽ đọc mỗi ngày mọt câu chuyện Kinh Thánh cho ông bà cha mẹ nghe. Cháu nào không biết đọc sẽ được phụ huynh đọc cho nghe, rồi cũng quay clip gửi về BTC. Nói thật, nhìn thấy hình ảnh các cháu đọc lời Chúa cho cho ông bà cha mẹ hay cho ông bà cha mẹ đọc lời Chúa cho các cháu, chúng ta thấy dễ thương làm sao, đáng yêu làm sao. Quý vị nghĩ sao khi Chúa nhìn thấy những hình ảnh này? Tôi nghĩ chắc Chúa vui lắm, chắc Chúa mim cười khi thấy gia đình chúng ta qua tâm đến việc dạy dỗ trẻ thơ lời Ngài!
. Một thống kê ở Mỹ cho thấy một đứa trẻ từ nhỏ cho đến hết bậc trung học thì chỉ 1% thời gian là ở nhà thờ, 16% là học đường và 83% là ở gia đình. Như thế, không còn nghi ngờ gì nữa, gia đình phải chịu trách nhiệm chính về việc giáo dục con em chứ không là nhà thờ hay nhà trường.
Chúa Giê-su rất yêu mến trẻ thơ, người thường bồng ẵm các em mà ban phước cho các cháu. Ngài muốn các cháu sớm biết lời Ngài để có sự khôn ngoan, có đức tin và được cứu. Dù đơn sơ những các em có đức tin mạnh mẽ nơi Chúa.
Một bé trai sắp trải qua cuộc giải phẫu ruột thừa. Khi lên bàn mỗ, trước lúc gây mê, Bác sĩ bảo em rằng: “Muốn cắt chỗ ruột thừa làm cháu đau, bác sẽ giúp cháu ngủ nhé, không có gì phải lo đâu”. Em bé gượng cười trong cơn đau: “Thưa Bác sĩ, vậy trước khi bác sĩ làm cho cháu ngủ xin cho cháu cầu nguyện đã vì cháu có tin Chúa!” Rồi em nhắm mắt cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, bây giờ con sắp ngủ mê để được giải phẫu, xin Ngài ban phước cho bàn tay của Bác sĩ, xin Chúa gìn giữ thân thể con và nếu con có phải qua đời trước khi thức giấc, cầu Chúa bồng ẵm con trong cánh tay Ngài!”. Vị Bác sĩ đứng lặng yên ngắm nhìn bệnh nhân bé nhỏ của mình, ông đã lắng nghe một cách chăm chú và đầy kinh ngạc trước lời cầu nguyện của cháu bé. Cuộc giải phẫu kết thúc tốt đẹp. Buổi chiều hôm ấy, vị Bác sĩ nọ đã cầu nguyện trở lại sau 30 năm lãng quên (CCBC).
Đừng xem thường trẻ thơ, đôi khi Chúa dùng các em để nhắc nhở và dạy lại cho người lớn.
3. NỘI DUNG DẠY: Dạy cái gì? “Con đường nó phải theo”
Đó là con đường nào? Ma thi 7: 13- 14 “Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoác dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó cũng nhiều. Những của hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít”. Có hai con đường:
a. Đường rộng, khoảng khoát dễ đi nhưng dẫn đến sự hư mất, hỏa ngục.
b. Đường hẹp khó đi nhưng dẫn đến sự sống, thiên đàng.
Chúng ta sẽ dạy con mình con đường nào nên theo? Hãy định hướng cho tương lai cuộc đời con cháu ngay bây giờ bằng sự dạy dỗ Lời Chúa cho chúng, giúp chúng tin nhận Chúa Giê-su là con đường dẫn đến thiên đàng. Nếu không dạy Lời Chúa cho chúng thì đời sẽ dạy chúng gian ác, ghen ghét, thù hận, lọc lừa, cờ bạc, trộm cắp… con đường dẫn đến hỏa ngục chúng sẽ bị hư mất.
Trẻ thơ rất vô tư, hồn nhiên, không lo lắng ưu phiền. Chúa Giê-su nói: “Nếu không đổi lại như đứa trẻ thì không được vào nước thiên đàng.( Ma thi ơ 18:2-3) Trẻ thơ giống như một tờ giấy trắng, hãy cẩn thận về điều mình viết lên đó, đừng viết lên đó những điều tội lỗi: tham lam, dối trá, lừa đảo, trộm cắp…nhưng hãy viết lên đó hai chữ: GIÊ-SU. John Cotton cho biết: “ Con trẻ rất mềm mại và dễ uốn, dạy cho chúng những điều tốt bây giờ dễ dàng hơn nhiều so với tuổi thanh niên và những năm trưởng thành.”
Sam Doherty, Vì Sao Phải Giảng Tin Lành cho Trẻ Em, nói: “Đưa dắt trẻ em đến với Chúa là việc đáng làm; vì chúng được cứu, chúng có thể sống trọn đời cho Chúa Giê-su, và rồi nhiều gia đình được cứu qua đời sống thay đổi của chúng. Về sau, Chúa Giê-su có thể dùng các em để xây dựng Hội Thánh Ngài. Đời sống của các em với Chúa Giê-su sẽ có những tác động tích cực trên nhiều phương diện của xã hội, chính trị và đời sống. Chúng ảnh hưởng đến cộng đồng bằng các giá trị của Kinh Thánh và cách làm việc của các em.” Gypsy Smith nói: “ Cứu một người nam là cứu một chữ số; còn cứu một bé trai, bạn cứu được cả một bảng cửu chương.
Hãy dạy Lời Chúa cho con cháu mình vì Lời Chúa có quyền năng biến đổi, sẽ giúp các em không phạm tội, sẽ đưa các em đến thiên đàng.
4. PHƯƠNG CÁCH DẠY: Dạy như thế nào? Phục 6: 6 – 9.
a. Tận Dụng Mọi Nơi Mọi Lúc: thường xuyên, ân cần trong việc dạy dỗ. Chúa muốn chúng ta nên có thì giờ trao đổi, học hỏi Lời Chúa ngay trong nhà mình, giữa vòng các con mình. Thì giờ nhóm gia đình lễ bái rất tốt cho việc này, đây là giờ học Lời Chúa với con cái, cầu nguyện với con cái, dạy con lời của Chúa, cần thực hiện và trung tín thực hiện. Khi đi đường cũng là cơ hội rất tốt để dạy trẻ về quyền năng, tình yêu, sự kỳ diệu của ĐCT. Khi nằm trên giường, dạy Lời Chúa bằng việc kể chuyện Kinh Thánh thay vì kể chuyện tầm phào, nhảm nhí, vô bổ. Hát Thánh ca ru con ngủ…
b. Tạo Môi Trường Sống Có Lời Chúa Cho Trẻ: c 8-9. Theo nhà thần học Warren W. Wiersbe, người Do thái vận dụng những câu KT này theo nghĩa đen, họ làm những chiếc hộp nhỏ và để những câu KT vào và đeo trên trán, bên cạnh cánh tay trái. Họ cũng làm một hộp Kinh, gọi là “Shema” treo nơi trước cửa và ở từng cửa trong nhà mình, người trong nhà mỗi khi đi qua đều kính cẩn sờ vào.
Chúa muốn chúng ta dạy mọi cách để làm sao Lời Chúa in vào trong trí, trong lòng để các em thấm nhuần và lớn lên trong môi trường thuộc linh lành mạnh.
Chúa muốn mỗi người phải luôn nhớ Lời Chúa, suy nghĩ Lời Chúa “ở giữa hai con mắt như ấn chí” và thực hành Lời Ngài “buộc nó trên tay như một dấu”.
c. Dạy Bằng Đời Sống Nêu Gương Tốt:
Đời sống nêu gương tốt của cha mẹ, ông bà, của Mục Sư, của các giáo viên dạy Kinh Thánh… là một bằng chứng hữu hiệu. Con cái luôn bắt chước cha mẹ, tín hữu luôn bắt chước Mục Sư, học trò bắt chước Thầy…nếu chúng ta nêu gương tốt các em sẽ học theo cái tốt và ngược lại.
Đất nước Na-uy một buổi chiều đông tuyết rơi nặng hạt, một người đàn ông say rượu lảo đảo bước đi qua lớp tuyết dày để lại những dấu chân hằn sâu trên tuyết. Đứa con trai 4 tuổi của ông phải ngồi chờ cha mình bên ngoài quán rượu bây giờ mới lẽo đẽo theo cha trở về nhà. Nó bước bàn chân bé nhỏ đặt vào những dấu chân to trên tuyết của cha nó để lại, những bước chân ngã nghiêng, chao đảo. Bất chợt cha nó quay lại nhìn, người đàn ông thấy con mình bước thấp bước cao, dáng vẻ như một người say rượu, ông gắt gỏng hỏi nó với giọng lè nhè: Mày đi kiểu gì vậy? Đứa con trả lời: Dạ, con đang bước theo bước chân của Ba! (CCBC)
Vì trẻ con luôn bắt chước nên sự dạy dỗ bằng tấm gương vô cùng quan trọng. Không thể bảo con đừng nói dối, chửi thề, trộm cắp, hút thuốc nhưng mình thì luôn làm những điều đó…con cái bước theo những bước chân của cha mẹ. Quý vị đang để lại tấm gương nào cho con yêu của mình?
KẾT LUẬN:
Susanna Wesley là một người phụ nữ sống vào cuối thế kỷ 17, khi đó vai trò của một phụ nữ chưa được coi trọng và bị giới hạn; tuy nhiên Susanna Wesley đã trung tín làm những việc có thể làm trong quyền hạn của mình: đó là dạy con và cầu nguyện cho con. Những điều bà kiên trì thực hiện trong gia đình mình đã đem lại những kết quả không ngờ. Bà đã đào tạo những con người thay đổi nước Anh và góp phần đem lại những cải cách tốt đẹp cho nhiều người khắp nơi trên thế giới. Mục sư Samuel Wesley có lần nói với vợ mình: “Có một số người thật sự là những con người vĩ đại bởi vì họ trung tín làm những việc nhỏ.” Susanna Wesley, cũng như đa số các bà mẹ, là những người như vậy. Ghi nhận ảnh hưởng của Susanna Wesley trong việc dạy dỗ các con của mình, trong số đó có hai con trai của bà là John Wesley và Charles Wesley về sau đã thành lập Hội Thánh Tin Lành Giám Lý, các sử gia nước Anh đã gọi Susanna Wesley “Mother of Methodism – Người Mẹ Của Phong Trào Giám Lý.”
Khi gia đình sống tại Epworth, Susanna Wesley đã dành riêng một căn phòng làm lớp học cho các con. Susanna dạy các con mỗi tuần 6 ngày; mỗi ngày học 6 giờ: từ 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa, và từ 2 đến 5 giờ chiều. Susanna Wesley dạy các con văn học, thi ca, âm nhạc, toán, khoa học, Latin, Hy Lạp và Thần học.
Vào thế kỷ 17, phụ nữ ít được đi học. Susanna Wesley đã dạy các con gái mình học từ thuở nhỏ. Cô bé Mehitable, con gái của Susanna Wesley, có thể đọc thông thạo Kinh Thánh trong tiếng Hy Lạp lúc mới được 8 tuổi. Khác với chồng, là một nhà thơ, nhiều quyết định của chồng dựa trên cảm tính, Susanna Wesley đã dạy các con làm việc gì đều phải suy nghĩ, phải có kế hoạch, và phải thực hiện có phương pháp.
Bên cạnh việc dạy các con trong lớp, mỗi tuần Susanna Wesley dành riêng một giờ để gặp riêng, trò chuyện với mỗi đứa con, và hướng dẫn các con trong đời sống tâm linh. Susanna Wesley cho biết việc giáo huấn trẻ em lúc còn nhỏ rất quan trọng; sở dĩ bà dành rất nhiều thì giờ dạy con vì bà muốn cứu linh hồn của chúng.
Theo Susanna Wesley, thái độ bướng bỉnh, cứng đầu của đứa trẻ là cội nguồn của những tội lỗi và thảm họa sau này. Điều gì khuyến khích cách cư xử như vậy sẽ làm hại cho tương lai của đứa trẻ; ngược lại, điều gì giúp uốn nắn, sửa đổi cách cư xử đó sẽ đem lại phước hạnh và đức hạnh cho đứa trẻ trong tương lai. Susanna Wesley cho biết cha mẹ nào muốn học biết cách kiềm chế sự bướng bỉnh của con mình, là cùng làm việc với Chúa để cứu cuộc đời đứa trẻ; ngược lại, cha mẹ nào dung túng hoặc ủng hộ thái độ bướng bỉnh của con, người đó thực hiện công việc của ma quỷ, là hủy hoại – không phải thân thể – nhưng tâm linh của đứa trẻ, và sự tác hại đó không phải chỉ trong đời này nhưng có thể đem đến sự hư mất vĩnh viễn.
Trong thời gian ở tại Epworth, nhà của Mục sư Samuel Wesley bị cháy hai lần. Vì không còn nhà, và gia đình lại rất đông người, nên các con của Susanna Wesley phải bị phân ra, gởi sống tạm tại nhiều gia đình khác nhau. Phải mất gần hai năm căn nhà mới được xây dựng trở lại. Khi các con trở về sống chung trong gia đình, Susanna Wesley thấy các con bây giờ chơi nhiều hơn học; và chúng dùng những tiếng lóng và những từ ngữ không thích hợp khi trò chuyện; bà đã dành nhiều thì giờ uốn nắn các con trở lại. Mỗi ngày, bà nói chuyện với mỗi đứa con hai lần, một lần trước bữa ăn trưa, và một lần trước giờ cầu nguyện buổi tối của gia đình.
Không chỉ dạy con, trò chuyện với con, hằng ngày Susanna Wesley dành thì giờ cầu nguyện cho các con. Tất cả các con của bà Susanna Wesley đều biết rằng, khi mẹ cầm cuốn Kinh Thánh và bắt đầu cầu nguyện, là lúc chúng đừng bao giờ gây ồn ào hay quấy rầy bà; bởi vì đây là lúc Susanna Wesley tìm kiếm mặt Chúa. Mỗi ngày Susanna Wesley dành một giờ đồng hồ để tương giao với Chúa và cầu nguyện cho từng đứa con của mình. Mấy đứa trẻ biết mẹ cầu nguyện cho mình nên rất dè dặt khi bị cám dỗ muốn làm chuyện gì sai quấy.
Susanna Wesley rất quan tâm đến sự hiểu biết Lời Chúa của các con. Ngoài việc dùng Kinh Thánh làm sách tập đọc, dạy Kinh Thánh cho các con trong giờ cầu nguyện mỗi tối, Susanna Wesley muốn các con được nghe những bài giảng tốt. Như đã nói ở trên, Mục sư Samuel Wesley thường xa nhà – có khi cả vài tháng trường – do đó, ông phải nhờ một truyền đạo giảng cho Hội Thánh. Bài giảng của vị truyền đạo thường đề cập tới những vấn đề xã hội, không sâu nhiệm, và ít dùng Kinh Thánh. Lo lắng cho các con không được bồi dưỡng tâm linh khi nghe vị truyền đạo giảng vào sáng Chúa Nhật, buổi chiều, bà Susanna Wesley tập hợp các con vào nhà thờ, tất cả cùng hát Thánh Thi, rồi bà đọc những bài giảng của cha hay chồng mình cho các con nghe. Không bao lâu sau, các tín hữu và dân chúng gần đó xin được tham dự giờ thờ phượng của gia đình. Một thời gian sau, giờ thờ phượng do bà Susanna Wesley hướng dẫn vào buổi chiều tăng lên 200 người; trong khi đó giờ thờ phượng chính thức vào buổi sáng tại nhà thờ Epworth càng lúc càng ít người tham dự.
Trong số 10 người con của Susanna Wesley sống đến tuổi trưởng thành – 3 trai và 7 gái – có ba người làm giáo viên (Samuel, Emilia, Kezia), ba người là nhà thơ (Samuel, Mehitable, Charles), hai người là mục sư (John, Charles), một người là vợ mục sư (Mary), một người có kiến thức uyên bác về triết học (Martha). Hai người con gái còn lại là Susanna và Anne dù không nổi tiếng nhưng là những người tốt trong xã hội. (Sưu tầm)
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” là câu khẩu hiệu người đời thường nói và nó cũng đúng khi áp dụng vào Hội Thánh: trẻ em hôm nay Hội Thánh ngày mai. Chúng ta muốn Hội Thánh chúng ta, tương lai con cái chúng ta như thế nào là hoàn toàn tùy thuộc vào sự giáo dục của chúng ta đối với chúng ngay hôm nay. Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi nó trở về già cũng không hề lìa khỏi đó. A-men!
Mục Sư Nguyễn Anh Thư