DẠY DỖ CON CÁI LỜI CHÚA

DẠY DỖ CON CÁI LỜI CHÚA

Phục Truyền 6:6-9                                           CG: Phục Truyền 6:7 “Phải ân cần dạy dỗ con cái những điều này, dạy chúng khi ngồi ở nhà cũng như khi đang đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy.” 

Người Do Thái chiếm 0,2% dân số thế giới và cũng là dân tộc thông minh hàng đầu của thế giới, nhưng đã sản sinh ra hơn 30% chủ nhân giải Nobel của toàn cầu. Nhiều gấp 3 lần Đức hay Pháp và gấp 10 lần Nhật Bản. Nhiều người nổi tiếng trong các lĩnh vực khác nhau là người Do Thái hoặc có gốc Do Thái như tỷ phú Warrant Buffet, tỷ phú George Soros, tỷ phú Abramovich (người Nga gốc Do Thái), Albert Einstein… Riêng giải thưởng danh giá Nobel năm 2020, có đến ba nhà khoa học gốc Do Thái được nhận. Nguyên nhân chính ở chỗ giáo dục con cái của họ. Người Do Thái rất coi trọng sự giáo dục, họ đã dạy dỗ Thánh Kinh cho con cái mình từ thơ ấu. Thật ra, sở dĩ người Do Thái biết cách dạy con như vậy là bởi từ rất lâu đời, khi Do Thái chưa là một quốc gia thì Đức Chúa Trời đã phán dạy họ phải chú ý thực hành cho tốt việc DẠY DỖ CON CÁI LỜI CHÚA. Điều này được nói rõ trong Phục Truyền 6:6-9, qua phần Kinh Thánh này, chúng ta sẽ cùng nhau suy nghĩ hai điều, để Dạy Dỗ Con Cái Lời Chúa: (1) Phải Ghi Lòng Tạc Dạ Lời Chúa Trước Khi Dạy Dỗ Con Cái, Và (2) Phải Ân Cần Dạy Dỗ Lời Chúa Cho Con Cái.

I. PHẢI GHI LÒNG TẠC DẠ LỜI CHÚA TRƯỚC KHI DẠY DỖ CON CÁI (c.6)“Anh chị em phải ghi lòng tạc dạ các điều răn tôi truyền lại cho anh chị em hôm nay”

Cụm từ: “phải ghi lòng tạc dạ các điều răn”có nghĩa là Môi-se muốn các bậc phụ huynh học và ghi nhớ, nắm vững, không được quên những lời mà Chúa đã cậy ông phán truyền với dân sự mà quan trọng nhất chính là 10 Điều Răn được tóm tắt trong hai bổn phận: Kính Chúa-Yêu người: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí yêu kính Chúa, và yêu thương người lân cận như mình." (Lu-ca 10:27). Học sẽ không phải là học nếu thiếu thực hành, thiếu làm theo. Lời Chúa phải trở thành một phần không thể tách rời của đời sống của phụ huynh trước khi dạy dỗ con cái.

Tại sao phụ huynh phải học và làm theo lời Chúa trước khi dạy lại cho con cái? Rất đơn giản là chúng ta không thể cho người khác điều gì mà mình không có và sự dạy dỗ hiệu quả nhất chính là dạy dỗ qua gương sống. Không thể dạy cho con cái lời Chúa nếu như mình không có lời Chúa. Con cái sẽ không nghe nếu chúng ta sống ngược lại với những gì mình dạy. Nhưng làm thế nào để chúng ta có lời Chúa? Chúng ta phải học lời Chúa. Hội Thánh chúng ta có nhiều chương trình để giúp con cái Chúa học lời Chúa: Chúng ta có đọc Kinh Thánh trọn bộ trong một năm, chúng ta có chương trình tĩnh nguyện mỗi ngày qua tài liệu Hy Vọng Mỗi Ngày của Mục Sư Rick Warren. Chúng ta có lớp học giáo lý cho tân tín hữu tối thứ ba, có chương trình học Kinh Thánh hàng tuần tối thứ sáu, học câu gốc mỗi tuần, mỗi ngày một bài đọc Kinh Thánh cho các em thiếu nhi, có những bài dưỡng linh, những bài nhạc, những đoạn phim Kinh Thánh chia sẻ trong trang HTGL Bình Tân… Tất cả những chương trình này với mục đích trang bị cho con cái Chúa có lời Chúa để được trưởng thành trong Chúa và có lời Chúa để có thể dạy dỗ con cái mình. Ước mong Hội Thánh tham gia tích cực vì muốn có lời Chúa để có thể dạy dỗ con cái mình, muốn sống theo lời Chúa thì chúng ta không có cách nào khác là phải học, phải học và phải học lời của Chúa!

Trong lãnh vực thuộc linh, vì các bậc cha mẹ chính là những người dẫn dắt con cái mình thì điều này lại càng quan trọng. Bởi lẽ trong Lu-ca 6:39 lời Chúa Cứu Thế Giê-su dạy:"Người mù có thể dẫn đường cho người mù không? Cả hai chẳng té xuống hố sao?” Chắc hẳn không ai trong chúng ta lại muốn làm những bậc cha mẹ mù lòa dẫn đường cho con cái, vì làm như vậy chẳng khác gì chúng ta đang hủy hoại tương lai chúng nó, đồng nghĩa với việc hủy hoại chính mình vì con cái chúng ta chính là hậu tự của chúng ta. Cho nên, để có thể ghi lòng tạc dạ lời Chúa mà dạy dỗ con cái mình, chúng ta không có cách nào khác là học và thực hành lời Chúa một cách nghiêm túc, tức là Lời Chúa phải trở thành một phần không thể tách rời của đời sống của chúng ta!

Có một câu chuyện được kể trên mạng như sau: Một người phụ nữ có một cậu con trai nhỏ thường hay chơi với cậu bạn hàng xóm trạc tuổi. Tuy nhiên, sau mỗi lần cậu bạn hàng xóm sang chơi thì lại có một thứ gì đó biến mất. Một thời gian dài như thế, chuyện không có gì cải thiện. Lần nọ, tình cờ đi chợ về, chị gặp mẹ cậu bé nọ, chị mới thủ thỉ: “Chị này, tôi muốn nói với chị một chuyện tế nhị, mong là chị sẽ không giận tôi và bảo ban cháu nhà chị tốt hơn. Con chị thường hay sang nhà tôi chơi rồi lấy luôn đồ chơi mang về”. Vốn cứ nghĩ chị nọ khi biết điều này thì về nhà sẽ dạy dỗ con mình lại, ai ngờ câu trả lời của người mẹ ấy khiến chị sững sờ: “Chẳng qua chỉ là mấy thứ đồ chơi trẻ con thôi mà, chị cứ làm quá lên, để cho nó chơi vài bữa rồi nó mang sang trả, chị không phải lo chuyện vặt vãnh này như thế đâu!” Khi về đến nhà, chị ta kêu con mình rầy: “Mày có lấy đồ người khác thì lấy cho khéo, chứ để người ta phát hiện mắng vốn là tao đánh mày chết”. Thời gian cứ thế trôi đi, cậu bé nọ được dung dưỡng cho thói xấu ăn cắp mãi rồi thành quen tay. Thói xấu đã ăn vào máu không thể nào thay đổi được. Khi cậu 19 tuổi, lần nọ cậu bị cảnh sát bắt tống vào tù vì tội ăn trộm, thế là tàn đời! Người mẹ trong câu chuyện, thay vì dạy con điều hay lẽ phải thì lại bao che thói xấu, dạy con thói khôn ranh là khôn ngoan của thế gian để cuối cùng đã hủy hoại cuộc đời nó, thật đáng trách cách dạy con của người mẹ đó làm sao! (ST)

-Trong Kinh Thánh cũng có một người trẻ tên anh là Ti-mô-thê, là một Mục Sư trẻ tuổi, yêu mến Chúa, tài giỏi đầy nhiệt huyết và đạo đức. Điều gì đã tạo nên một con người tuyệt vời như thế? Trong một bức thư của mình, sứ đồ Phao-lô đã hé lộ cho chúng ta biết một nguyên do vô cùng quan trọng. Sở dĩ có được một Ti-mô-thê tuyệt vời như vậy, đều là nhờ sự dạy dỗ của bà ngoại và mẹ của ông. II Ti-mô-thê 1:5 Ta cũng nhớ lại đức tin chân thành của con, là đức tin từng có trong lòng bà ngoại con là cụ Lô-ít, rồi đến mẹ con là bà Ơ-nít, ta tin chắc đức tin ấy cũng đang có trong lòng con. Và trong II Ti-mô-thê 3:15 sứ đồ Phao-lô đã cho biết Ti-mô-thê đã được dạy lời Chúa từ khi ông còn rất nhỏ. Từ khi còn thơ ấu, con đã biết Thánh Kinh có khả năng khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Chúa Cứu Thế Giê-su.” Điều gì đã khiến cho Ti-mô-thê được khôn ngoan và còn hơn thế nữa, Ti-mô-thê được cứu? Nhờ được dạy Kinh Thánh từ khi còn rất nhỏ. Quý vị có muốn con mình được như Ti-mô-thê không? Được khôn ngoan và được cứu? Hãy học lời Chúa cách nghiêm túc để có thể dạy lại cho con cho cháu mình. Muốn ăn quả ngọt ngày mai thì hãy gieo hạt lành ngay hôm nay! Không có cách nào khác! Ngoài việc cha mẹ phải ghi lòng tạc dạ lời Chúa trước khi dạy dỗ con cái, điều thứ hai cha mẹ phải làm là:

2. PHẢI ÂN CẦN DẠY DỖ LỜI CHÚA CHO CON CÁI (c.7-9):  7 Phải ân cần dạy dỗ con cái những điều này, dạy chúng khi ngồi ở nhà cũng như khi đang đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy. 8 Phải buộc lời này vào tay như một biểu hiệu và đeo trên trán để nhớ. 9 Phải viết lời này trên khung cửa nhà và trên cổng thành.” 

Hết sức nhiệt tình và chu đáo trong việc dạy con: “Ân cần dạy dỗ con cái” có nghĩa là dạy dỗ con cái mình một cách đầy nhiệt tình và hết sức chu đáo. Có nhiều bậc cha mẹ chỉ lo cho con cơm ăn áo mặc mà không quan tâm đến việc dạy dỗ chúng nên người. Cũng có nhiều người dạy cách qua loa, chiếu lệ, sơ sài, dạy cho có chứ không đầu tư. Rồi khi con cái hư hỏng thì đổ lỗi cho Trời: “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính”. Tuy nhiên, lời Chúa trong Châm Ngôn 22:6 nhắc nhở chúng ta rằng: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.” Chúng ta dạy con cái mình không phải chỉ vì bổn phận, vì trách nhiệm, nhưng phải hết sức ân cần, hết sức nhiệt tình, chu đáo vì con cái là cơ nghiệp quý báu mà Chúa ban cho chúng ta. Trẻ con giống như một tờ giấy trắng, chúng như thế nào ngày mai tùy thuộc vào những gì chúng ta viết hôm nay. Hãy viết hai chữ Giê-su lên cuộc đời chúng để cuộc đời chúng là một cuộc đời có ý nghĩa, một cuộc đời phước hạnh. 

a. Tận Dụng Mọi Cơ Hội, Mọi Phương Cách Để Dạy Dỗ Con Cái Mình “Dạy chúng khi ngồi ở nhà cũng như khi đang đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy” (c.7). Có nghĩa là trong việc dạy dỗ con cái, chúng ta phải tận dụng mọi cơ hội, mọi dịp tiện, mọi phương cách, mọi lúc, mọi nơi để dạy dỗ con cái mình. Cần nên nhớ, cha mẹ là những người thầy đầu tiên và có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với con trẻ. 

-Theo Mydailymoment: Có sáu cách mà nếu chúng ta làm theo sẽ khiến con cái của mình bị hư hỏng. Đó là: Đòi gì cho nấy. Không có kỷ luật. Luôn bênh con. Sỉ vả cha, mẹ chúng trước mặt chúng. Làm gương xấu. Thiếu quan tâm đến trẻ. Nếu thực hiện sáu cách này, bảo đảm con chúng ta sẽ hư hỏng.

Có một bà mẹ người Anh được mời đến gia đình người Việt dự tiệc Giáng Sinh, buổi tiệc rất đông con nít. Bà mẹ người Anh mang con gái mới 2 tuổi tên là Ely theo, vừa đến là bé thích thú ngay với con heo bằng bông to đùng, nhấn vào mũi thì phát ra nhạc của một bé Lan, 10 tuổi, là con chủ nhà người Việt. Ban đầu, bé Lan sẵn lòng cho bé nhỏ mượn chơi, nhưng sau khoảng 30 phút thì bé Lan đòi lại. Lập tức, bé nhỏ khóc ré lên, lao về phía mẹ mình, chỉ tay về con heo. Mọi người trong nhà đều hiểu con bé muốn gì nhưng không một ai bênh vực bé cả. Mẹ của bé bế bé lên và chỉ cho bé những món đồ chơi khác, đứa bé vẫn khóc la nhưng mẹ bé kiên quyết không chìu theo. Cuối cùng sau 10 phút, bé cũng quên con heo và bắt đầu chơi những món đồ chơi mới. Mẹ Việt thủ thỉ với mẹ Anh: “Ely ngoan quá! Nhưng sao chị không kêu con tôi đưa con heo cho Ely, được vậy thì Ely đã không khóc lâu như thế!” Chị ấy mỉm cười giải thích: “Ồ, không nên chút nào! Đó vốn không phải là đồ chơi của Ely mà là của bé Lan. Bé Lan đã cho mượn 30 phút và bé Lan lấy lại cũng là hợp lý! Quan trọng hơn là không nên tập cho trẻ con, dù còn rất nhỏ tuổi thói quen đòi gì được nấy, nhất là những đòi hỏi vô lý như vừa rồi!” (Nguồn sưu tầm)

b. Tạo Một Môi Trường Lành Mạnh Cho Con Cái Mình Phát Triển (c.8-9).“Phải buộc lời này vào tay như một biểu hiệu và đeo trên trán để nhớ. Phải viết lời này trên khung cửa nhà và trên cổng thành.”

Theo nhà thần học W. W. Wiersbe, người Do Thái thường làm những chiếc hộp nhỏ bên trong chứa những câu Kinh Thánh và đeo trên trán bên cánh tay trái. Họ cũng để những chiếc hộp như thế (hộp kinh Shema) trước cửa và trên từng cửa phòng trong nhà. Mỗi thành viên trong gia đình khi đi qua đều kính cẩn sờ vào. Làm vậy để chứng tỏ họ yêu mến, tôn cao lời Đức Chúa Trời. 

Ai trong chúng ta cũng biết môi trường sống vốn ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách con người. Muốn con cái chúng ta đi theo đường lối Chúa thì chúng ta phải tạo một môi trường giáo dục có lời Chúa để qua đó nhân cách con trẻ được hình thành. Chúa muốn chúng ta dạy mọi cách để làm sao Lời Chúa in vào trong trí, trong lòng để con cái chúng ta thấm nhuần và lớn lên trong môi trường thuộc linh lành mạnh. Chúa muốn mỗi người phải luôn nhớ Lời Chúa, suy nghĩ Lời Chúa “ở giữa hai con mắt như ấn chí” thực hành Lời Ngài “buộc nó trên tay như một dấu”.

Chiều 24/11/2012, một vụ cướp chấn động xảy ra ở gần cầu Phú Mỹ, SG. Một nạn nhân chạy SH bị chém liên tiếp 3 nhát mạnh vào tay làm bàn tay bị đứt lìa. Người dân phát hiện đưa chị đi cấp cứu, kịp thời nối lại được bàn tay nhưng để lại thương tật 47%. Trước khi gây ra vụ án kinh hoàng này, cũng với chiêu thức "chém trước, cướp sau", băng nhóm do H. D. T. cầm đầu đã thực hiện 14 vụ cướp khác trên địa bàn TP HCM gây thương tích 12 người. Khi tòa tuyên án tử thì mẹ của tướng cướp này đã la lớn: “Ai biểu đi xe tay ga, đeo hột xoàn chi cho nó chém”; “Tao biết con tao bị tử hình thì tao chuẩn bị dao giết con T. (nạn nhân bị chặt tay, cướp SH) tại tòa”. (Nguồn internet)

Chúng ta nghĩ sao về lời phát biểu này? Có thể do quá sốc khi nghe tòa tuyên án tử hình con mình khiến bà có những phát ngôn nông nổi, nhưng điều đó đã khiến cho người ta đặt câu hỏi là phải chăng việc hình thành một tướng cướp hung hãn như vậy là một phần ở sự giáo dục của bà mẹ như thế? Gia đình là nền tảng của Hội Thánh và xã hội. Muốn Hội Thánh mạnh, xã hội mạnh thì mỗi gia đình con cái Chúa phải mạnh. Muốn gia đình mạnh thì ông bà cha mẹ phải quan tâm, ân cần trong việc dạy dỗ con cháu mình ngay từ khi chúng còn thơ ấu lời Chúa để chúng lớn lên trở thành những người tốt, hữu ích cho gia đình, Hội Thánh và xã hội!

KẾT LUẬNCâu chuyện Bà Chương Thị ba lần chuyển nhà (Nguồn internet)

Mạnh Tử mồ côi cha và chịu sự giáo dục nghiêm túc của mẹ là Chương Thị, sau này được gọi là Mạnh Mẫu. Lúc đầu, mẹ con Mạnh Tử dọn đến sống gần một nghĩa trang. Hàng ngày, Mạnh Tử thường ra đây nô đùa cùng chúng bạn đồng trang lứa, ông thường diễn lại những cảnh than khóc, chôn cất mà ông đã nhìn thấy. Mạnh Mẫu nhận thấy đây không phải là chỗ ở tốt cho con trai mình, bà quyết định chuyển nhà sang một khu chợ mua bán sầm uất. Tại đây, Mạnh Tử học cách cân, đong, đo, đếm, thêm bớt hay khoe khoang đồ của mình của những kẻ mua bán. Mạnh Mẫu thấy đây cũng không phải là nơi mẹ con bà phải sống nên bà chuyển nhà một lần nữa. Lần này bà dọn đến sống gần một ngôi trường. Tại đây, Mạnh Tử bắt chước bạn bè, sáng chiều cắp sách đến trường, học theo những khuôn mẫu lễ giáo… đến bấy giờ Mạnh Mẫu mới thở phào: “Đây mới đúng là chỗ mà con ta nên ở”. Ngày nọ, nhà hàng xóm giết lợn, Mạnh Tử thấy vậy hỏi mẹ giết lợn để làm gì, bà lỡ miệng nói đùa:“Để cho con ăn”. Sau đó, bà đi mua thịt lợn về cho con ăn vì bà nghĩ nếu mình nói dối con chẳng khác nào dạy con nói dối. Lần khác, khi đang dệt vải, thấy con trốn học đi về. Bà kêu Mạnh Tử đến gần rồi cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt và rầy: “Con đi học mà bỏ học chẳng khác nào mẹ dệt vải mà cắt đứt nó vậy”. Thấm thía lời mẹ dạy, ông chăm học, dần trở thành học sinh giỏi nhất lớp và trở nên bậc đại hiền triết sau này. Mạnh Mẫu nổi tiếng là một bà mẹ có cách giáo dục con nghiêm khắc và ân cần, chu đáo nhất trong lịch sử. Bà có những cách dạy con hiệu quả như chấp nhận chuyển nhà để chọn môi trường sống thích hợp với con để tránh những ảnh hưởng xấu từ môi trường bên ngoài đem lại. Đồng thời, bà gieo vào tiềm thức con cái đức tính chân thật để tạo cho con nếp sống đạo đức sau này, dạy con tính cần cù, chăm chỉ, siêng năng, không biếng nhác, có một thái độ kiên trì nhẫn nại, khắc phục khó khăn, gian khổ. Chính vì lẽ đó mà sau này Mạnh Tử đã trở thành vĩ nhân.

-Nói về tầm quan trọng của giáo dục, Nelson Madenla đã phát biểu: “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào không cần đến bom nguyên tử hay tên lửa tầm xa, chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục, cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Bệnh nhân sẽ chết dưới bàn tay của các bác sĩ của nền giáo dục ấy. Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỷ sư của nền giáo dục ấy. Tiền bạc mất trong tay của các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục ấy. Công lý bị mất trong tay của các thẩm phán của nền giáo dục ấy. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đỗ của một quốc gia.” Gottfried Leibni nói: “Ai làm chủ giáo dục người đó có thể thay đổi thế giới.” Giáo dục nói chung hay việc dạy dỗ con cái nói riêng là điều cực kỳ quan trọng. Muốn con cái chúng ta được khôn ngoan và được cứu, gia đình chúng ta được mạnh mẽ thì đòi hỏi các bậc ông bà, cha mẹ Cơ-đốc cần phải dạy cho con cháu mình lời Chúa. Để dạy cho con cháu mình lời Chúa hiệu quả, cha mẹ cần nhớ hai điều: (1) Phải Ghi Lòng Tạc Dạ Lời Chúa Trước Khi Dạy Dỗ Con Cái, và (2) Phải Ân Cần Dạy Dỗ Lời Chúa Cho Con Cái. Xin Chúa ban phước cho chúng ta. A-men!

Mục Sư Nguyễn Anh Thư