NGÀI LÀ CHÚA BÌNH AN
NHẠC GIÁNG SINH 2024
SỰ ĐẦU TƯ ĐÚNG ĐẮN CHO CON CÁI (Mùa hè 2022)
KT : Châm Ngôn 22:6 “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi nó trở về già cũng không hề lìa khỏi đó”. “Hãy huấn luyện trẻ thơ con đường chúng nên theo, để khi về già chúng cũng không đi lạc”.(BDM)
Hội Thánh chúng ta vừa có một ngày cho các cháu thiếu nhi học Thánh Kinh hè rất vui, rất tốt. Cảm ơn các con cái Chúa đã cầu thay, dâng hiến ủng hộ mục vụ. Không biết có ai trong chúng ta hỏi thăm các cháu cảm nhận gì, học được gì trong ngày hôm qua không? Thú thật, sau những ngày đại hội về, tôi và nhà tôi đều bệnh. Tôi bệnh trước, nhà tôi bệnh sau. Hôm qua, nhà tôi vẫn còn đau họng, khan tiếng nhưng cũng cố gắng tổ chức cho các cháu có một ngày vui học lời Chúa với nhau. Là người hầu việc Chúa, chúng tôi rất quan tâm đến thế hệ kế thừa. Các cháu thiếu nhi hôm nay chính là xã hội ngày mai, là Hội Thánh ngày mai. Nếu muốn con mình được cứu, được trở nên người tốt, được Chúa trọng dụng chúng ta cần phải có sự đầu tư một cách đúng đắn, đúng mực. Với đề tài: Sự Đầu Tư Đúng Đắn Cho Con Cái, dựa trên Lời Chúa trong Châm ngôn 22:6 và những câu Kinh Thánh liên quan, chúng ta sẽ suy nghĩ 2 điều: 1. Sự Đầu Tư Đúng Đắn Cho Con Cái Là Sự Giáo Dục. 2. Thời Điểm Đầu Tư Đúng Đắn Cho Con Cái Là Lúc Con Còn Thơ Và Ngay Bây Giờ.
1. SỰ ĐẦU TƯ ĐÚNG ĐẮN CHO CON CÁI LÀ SỰ GIÁO DỤC: Châm Ngôn 22:6 “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi nó trở về già cũng không hề lìa khỏi đó”. (BTT) “Hãy huấn luyện trẻ thơ con đường chúng nên theo, để khi về già chúng cũng không đi lạc”.(BDM)
Tại sao? Vì Chúa dạy thế, nếu không thực hiện chúng ta sẽ hối hận. Hãy dạy, hãy huấn luyện trẻ thơ con đường chúng nên theo, để khi về già chúng cũng không đi lạc”. Có thể nói một điều, chúng ta được tốt như ngày hôm nay là chúng ta nhờ sự giáo dục, dạy dỗ của gia đình, ông bà cha mẹ, thầy cô. Có hai lĩnh vực giáo dục cần đầu tư cho con: Văn hóa và Lời Chúa. Tất nhiên, trên tất cả là Lời Chúa!
“Hãy huấn luyện trẻ thơ con đường chúng nên theo,” đ ó là con đường nào? Ma thi 7: 13- 14 “Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoác dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó cũng nhiều. Những của hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít”. Lời Chúa cho chúng ta biết c ó hai con đường:
a. Đường rộng, khoảng khoát dễ đi nhưng dẫn đến sự hư mất, hỏa ngục.
b. Đường hẹp khó đi nhưng dẫn đến sự sống, thiên đàng.
Chúng ta sẽ dạy con mình con đường nào nên theo? Hãy định hướng cho tương lai cuộc đời con cháu ngay bây giờ bằng sự dạy dỗ Lời Chúa cho chúng, giúp chúng tin nhận Chúa Giê-su là con đường dẫn đến thiên đàng. Nếu không dạy Lời Chúa cho chúng thì đời sẽ dạy chúng gian ác, ghen ghét, thù hận, lọc lừa, cờ bạc, trộm cắp… con đường dẫn đến hỏa ngục, chúng sẽ bị hư mất.
Trẻ thơ rất vô tư, hồn nhiên, không lo lắng ưu phiền. Chúa Cứu Thế phán: “Nếu không đổi lại như đứa trẻ thì không được vào nước thiên đàng. (Ma thi ơ 18:2-3) Trẻ thơ giống như một tờ giấy trắng, hãy cẩn thận về điều mình viết lên đó, đừng viết lên đó những điều tội lỗi: tham lam, dối trá, lừa đảo, trộm cắp… nhưng hãy viết lên đó hai chữ: GIÊ-SU .
John Cotton cho biết: “Con trẻ rất mềm mại và dễ uốn, dạy cho chúng những điều tốt bây giờ dễ dàng hơn nhiều so với tuổi thanh niên và những năm trưởng thành .”
Sam Doherty, trong quyển “ Vì Sao Phải Giảng Tin Lành cho Trẻ Em,” nói: “Đưa dắt trẻ em đến với Chúa là việc đáng làm; vì chúng được cứu, chúng có thể sống trọn đời cho Chúa Giê-su, và rồi nhiều gia đình được cứu qua đời sống thay đổi của chúng. Về sau, Chúa Giê-su có thể dùng các em để xây dựng Hội Thánh Ngài. Đời sống của các em với Chúa Giê-su sẽ có những tác động tích cực trên nhiều phương diện của xã hội, chính trị và đời sống. Chúng ảnh hưởng đến cộng đồng bằng các giá trị của Kinh Thánh và cách làm việc của các em.”
Gypsy Smith nói: “Cứu một người nam là cứu một chữ số; còn cứu một bé trai, bạn cứu được cả một bảng cửu chương."
Hãy dạy Lời Chúa cho con cháu mình vì Lời Chúa có quyền năng biến đổi, sẽ cứu rỗi các em, giúp các em không phạm tội hầu các em được đến thiên đàng.
Phục Truyền 4:9 “Chỉ hãy giữ lấy ngươi, lo canh cẩn thận linh hồn mình, e ngươi quên những điều mắt mình đã thấy hầu cho chẳng một ngày nào của đời ngươi những điều đó rời khỏi ngươi. PHẢI DẠY CHO CÁC CON VÀ CHÁU NGƯƠI”. Ông bà cha mẹ là những người có trách nhiệm quan trọng trong việc trực tiếp dạy dỗ con cháu mình, đừng giao khoán, đùn đẩy cho nhà trường và xã hội. Trách nhiệm đó Chúa giao cho mỗi người chúng ta là người làm cha mẹ ông bà. Hãy dạy cho con cháu chúng ta lời Chúa vì nhờ đó mà chúng được cứu, được trở nên những người hữu ích cho xã hội.
-Cuộc sống hiện tại của mỗi người quá ư bận rộn, phải làm việc đầu hôm sớm mai, đầu tắt mặt tối để lo cơm áo gạo tiền. Mặc dầu vậy các bậc phụ huynh vẫn phải quan tâm sắp xếp thì giờ để dạy dỗ con cái mình. Nếu không một ngày nào đó chúng ta sẽ phát hiện ra rằng dù mình sống bên cạnh con mình nhưng mình đã bị mất nó.
Khi tôi đánh cụm từ “Tội phạm vị thành niên” thì lập tức, trong 0,37 giây google cho ra khoảng 6.830.000 kết quả. Điều đó cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề này.
Theo trang (daibieunhandan.vn/Ban-doc-viet/Bao-dong-tinh-trang-vi-pham-phap-luat-trong-thanh-thieu-nien-i276723/ ). Thống kê của Bộ Công an cho thấy trong giai đoạn 2018 - 2020, cả nước đã ghi nhận 10.786 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật, với 16.583 đối tượng có liên quan.
Điển hình, có một vụ án mạng kinh hoàng xảy ra trong năm vừa qua tại địa bàn xã Tân Lập giữa 2 nhóm thanh thiếu niên xã Tân Lập và Trung Hòa (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Lêu lổng, đua đòi, các đối tượng lên mạng facebook và thành lập nhóm có tên “1 sống - 2 chết ”, tập hợp khoảng 20-30 thành viên tham gia. Chỉ là do mâu thuẫn cá nhân, ngày 23.01.2021, tại khu vực Vòng xuyến Yên Mỹ, giữa hai nhóm xảy ra xô xát. Hậu quả là Lê Văn Hai (Sinh năm 2003 tại xã Trung Hòa) bị đối tượng Nguyễn Văn Nhớ (Sinh năm 2001 tại xã Tân Lập) đâm tử vong. Đáng nói, đa số các đối tượng vi phạm còn lại trong nhóm này đều trong độ tuổi 15 đến 16. Vụ án đang được Công an huyện Yên Mỹ phối hợp với Phòng PC02 điều tra mở rộng vụ án.
Đây là hiện tượng rất đau lòng, cho thấy thực trạng đáng lo ngại về trẻ vị thành niên phạm tội. Tôi không biết các phụ huynh của các em này nghĩ gì, cảm giác thế nào, chắc họ đau đớn lắm… chúng ta hãy lấy bài học đó làm gương, quan tâm đến con cái mình nhiều hơn nữa, hãy thực hành lời Chúa dạy là: "Hãy giáo dục trẻ thơ con đường chúng nên theo, để khi về già chúng cũng không đi lạc”.
Khổng Phu Tử từng nói: “Di tử hồ kim mãn doanh hà như giáo nhất kinh” (Để cho con một hòm vàng không bằng dạy cho nó một quyển sách). Ông ý thức rằng việc dạy dỗ trẻ thơ là một vấn đề quan trọng, quan trọng hơn cả việc lo cho nó tiền bạc vật chất. Nhiều người chỉ đầu tư vật chất mà không dạy dỗ chúng, kết quả là khi lớn lên chúng trở nên những con người hư hỏng, vô đạo đức, tai họa của xã hội.
-Gióp là một người kính sợ Đức Chúa Trời, ông chẳng những lo đời sống vật chất cho con cái mình mà còn quan tâm chăm sóc thuộc linh, dạy dỗ con cái mình luôn giữ lòng kính sợ Chúa. Trong Gióp 1:5 “Khi các con mình dùng tiệc xong thì ông sai người dọn con cái mình cho thanh sạch, ông sợ con cái mình phạm tội trong lòng từ chối Đức Chúa Trời”. Đó là mẫu mực chúng ta cần noi theo!
Việc giáo dục trẻ thơ là một công tác vô cùng quan trọng: Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Điều đó cũng không sai nếu áp dụng vào Hội Thánh: Trẻ em hôm nay, Hội Thánh ngày mai. Hãy vì lòng yêu mến Chúa và yêu mến linh hồn con trẻ, vì tương lai của Hội Thánh, hãy hết lòng chăm lo dạy dỗ chúng. Đừng quên chúng ta đang làm một công việc vô cùng cao quý, một công việc có giá trị đời đời. Chúng ta đang góp phần xây dựng các em thành những người tốt, người của Đức Chúa Trời, những người mà trong tương lai sẽ làm xã hội này, thế giới này trở nên tốt đẹp hơn.
2. THỜI ĐIỂM ĐẦU TƯ ĐÚNG ĐẮN CHO CON CÁI LÀ LÚC CON CÒN THƠ VÀ NGAY BÂY GIỜ Châm Ngôn 22:6 “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi nó trở về già cũng không hề lìa khỏi đó”. “Hãy huấn luyện trẻ thơ con đường chúng nên theo, để khi về già chúng cũng không đi lạc”.(BDM)
ThS. Phạm Vũ Tuấn nói: “ Theo định nghĩa của Từ điển Tiếng Việt, thiếu nhi là trẻ em thuộc độ tuổi từ 4-5 đến 14-15... Gần nghĩa với “thiếu nhi”, trong Tiếng Việt có nhiều từ, chẳng hạn: trẻ con, trẻ thơ, trẻ nhỏ, con nít ...”; thiếu nhi là: “Trẻ em còn nhỏ tuổi, dưới 13 tuổi. ” Còn Liên Hợp Quốc quy định: “ Thiếu nhi là những người dưới 18 tuổi. ”
Tiến sĩ Joseph Tan có ghi lại trong quyển sách do chính ông viết như thế này: “ Trẻ học được phân nửa điều chúng biết ở tuổi lên ba; ba phần tư mọi điều chúng biết ở tuổi lên bảy . ” Giống như một máy thu, trẻ dưới ba tuổi bắt đầu ghi nhận, học hỏi những gì diễn ra chung quanh. Vì vậy, thật là đúng đắn khi chúng ta dạy chúng ở độ tuổi này. Ông bà ta cũng dạy: “Dạy con từ thuở còn thơ.” Nếu bỏ qua việc dạy trẻ ở độ tuổi còn thơ thì là một thất bại của người lớn.
Một thống kê ở Mỹ cho thấy một đứa trẻ từ nhỏ cho đến hết bậc trung học thì chỉ 1% thời gian là ở nhà thờ, 16% là học đường và 83% là ở gia đình. Như thế, không còn nghi ngờ gì nữa, gia đình phải chịu trách nhiệm chính về việc giáo dục con em chứ không là nhà thờ hay nhà trường.
Hai thời điểm đầu tư cho con yêu của mình là lúc bé và ngay bây giờ!
Phục Truyền 6:4-9 "4 Toàn dân Y-sơ-ra-ên hãy nghe đây! CHÚA, Đức Chúa Trời của chúng ta là CHÚA có một không hai. 5 Phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức yêu kính CHÚA, Đức Chúa Trời của anh chị em. 6 Anh chị em phải ghi lòng tạc dạ các điều răn tôi truyền lại cho anh chị em hôm nay. 7 Phải ân cần dạy dỗ con cái những điều này, dạy chúng khi ngồi ở nhà cũng như khi đang đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy. 8 Phải buộc lời này vào tay như một biểu hiệu và đeo trên trán để nhớ. 9 Phải viết lời này trên khung cửa nhà và trên cổng thành.” Chúa dạy chúng ta hãy:
a. Tận dụng mọi nơi, mọi lúc giáo dục con trẻ: thường xuyên, ân cần trong việc dạy dỗ. Chúa muốn chúng ta nên có thì giờ trao đổi, học hỏi Lời Chúa ngay trong nhà mình, giữa vòng các con mình. Thì giờ tĩnh nguyện gia đình, nhóm gia đình lễ bái rất tốt cho việc này, đây là giờ học Lời Chúa với con cái, cầu nguyện với con cái, dạy con lời của Chúa, cần thực hiện và trung tín thực hiện. Khi đi đường cũng là cơ hội rất tốt để dạy trẻ về quyền năng, tình yêu, sự kỳ diệu của ĐCT. Khi nằm trên giường, dạy Lời Chúa bằng việc kể chuyện Kinh Thánh thay vì kể chuyện tầm phào, nhảm nhí, vô bổ. Hát Thánh ca ru con ngủ… bắt đầu ngày mới bằng việc cầu nguyện chúc phước cho con cái mình.
b. Tạo môi trường sống có lời chúa cho trẻ: Phục Truyền 6: 8-9. Theo nhà thần học Warren W. Wiersbe, người Do thái vận dụng những câu KT này theo nghĩa đen, họ làm những chiếc hộp nhỏ và để những câu KT vào và đeo trên trán, bên cạnh cánh tay trái. Họ cũng làm một hộp Kinh, gọi là “Shema” treo nơi trước cửa và ở từng cửa trong nhà mình, người trong nhà mỗi khi đi qua đều kính cẩn sờ vào.
Chúa muốn chúng ta dạy mọi cách để làm sao Lời Chúa in vào trong trí, trong lòng để các em thấm nhuần và lớn lên trong môi trường thuộc linh lành mạnh.
Chúa muốn mỗi người phải luôn nhớ Lời Chúa, suy nghĩ Lời Chúa “ở giữa hai con mắt như ấn chí” và thực hành Lời Ngài “buộc nó trên tay như một dấu”.
Hãy giúp đỡ các cháu hình thành thói quen thờ phượng Chúa mỗi Chúa nhật. Nhất là ngày hôm nay người ta thường tận dụng Chúa nhật để làm mọi việc, ngoại trừ đi nhà thờ…
c. Dùng đời sống nêu gương tốt dạy con trẻ: Đời sống nêu gương tốt của cha mẹ, ông bà, của Mục Sư, của các giáo viên dạy Kinh Thánh… là một bằng chứng hữu hiệu. Con cái luôn bắt chước cha mẹ, tín hữu luôn bắt chước Mục Sư, học trò bắt chước Thầy…nếu chúng ta nêu gương tốt các em sẽ học theo cái tốt và ngược lại.
Đất nước Na-uy một buổi chiều đông tuyết rơi nặng hạt, một người đàn ông say rượu lảo đảo bước đi qua lớp tuyết dày để lại những dấu chân hằn sâu trên tuyết. Đứa con trai 4 tuổi của ông phải ngồi chờ cha mình bên ngoài quán rượu bây giờ mới lẽo đẽo theo cha trở về nhà. Nó bước bàn chân bé nhỏ đặt vào những dấu chân to trên tuyết của cha nó để lại, những bước chân ngã nghiêng, chao đảo. Bất chợt cha nó quay lại nhìn, người đàn ông thấy con mình bước thấp bước cao, dáng vẻ như một người say rượu, ông gắt gỏng hỏi nó với giọng lè nhè: Mày đi kiểu gì vậy? Đứa con trả lời: Dạ, con đang bước theo bước chân của Ba! (CCBC)
Vì trẻ con luôn bắt chước nên sự dạy dỗ bằng tấm gương vô cùng quan trọng. Không thể bảo con đừng nói dối, chửi thề, trộm cắp, hút thuốc nhưng mình thì luôn làm những điều đó…con cái bước theo những bước chân của cha mẹ. Quý vị đang để lại tấm gương nào cho con yêu của mình?
KẾT LUẬN:
Một người thợ mỏ nghèo quá đến nỗi đứa con trai nhỏ của ông phải đi hát rong để tự nuôi sống. Một đêm mùa đông, gió thổi lạnh buốt, cậu bé đứng gần tòa nhà sang trọng, cất giọng hát. Gia chủ là ông Conrad và bà Ursule. Nghe câu hát êm tai, lòng họ rất cảm động. Cánh cửa mở ra, họ nhìn thấy một cậu bé nghèo khổ, quần áo rách rưới, đứng run rẩy trong gió rét. Cậu cung kính thưa: "Vì tình thương của Chúa, xin ông bà thương xót cứu giúp con." Họ có một đứa con trai duy nhất, nhưng vừa qua đời, vì thế khi nhìn cậu bé hát rong, họ vô cùng xúc động, nhớ đến con của mình. Ông Conrad cho cậu bé vào nhà, mang ra một ít thức ăn. Họ bàn bạc với nhau, cho phép cậu ngủ lại qua đêm. Đương lúc cậu bé ngủ say, họ lẻn vào bên giường để ngắm xem gương mặt cậu bé, thật là khôi ngô tuấn tú và rất đáng yêu. Đến sáng, ông bà nói với cậu bé rằng họ muốn nhận cậu làm con nuôi. Thật không có niềm vui mừng nào hơn, cậu cất tiếng hát ngay khi nghe tin này. Cậu bé đã được ở trong một ngôi nhà sang trọng, lo học hành, về sau trở thành một tu sĩ Công giáo. Chúng ta có biết cậu bé ấy là ai không? Đó chính là Martin Luther, nhà Cải Chánh vĩ đại của lịch sử Hội Thánh. Sự cứu giúp, nuôi dưỡng, giáo dục một cậu bé rách rưới nghèo khó đã mang lại những kết quả lớn lao không thể tưởng tượng được. Ông bà Conrad đã đầu tư vào cuộc đời Luther nhờ thế mà nhân loại có một người vĩ đại. (CCBC).
Lời Chúa dạy “Con cái là cơ nghiệp Chúa ban cho”, chúng ta làm gì với cơ nghiệp này? Chúng ta có muốn hậu tự mình tạo nên khác biệt? Hãy có sự đầu tư đúng đắn. 1. Sự Đầu Tư Đúng Đắn Cho Con Cái Là Sự Giáo Dục (Dạy chúng đường lối Chúa). 2. Thời Điểm Đầu Tư Đúng Đắn Cho Con Cái Là Lúc Con Còn Thơ Và Ngay Bây Giờ. A-men!
Mục Sư Nguyễn Anh Thư